Thác Hang Én (Thác K50) mùa kỳ vĩ
Một ngày tháng 2/2022 - Đoạn văn chau chuốt trên cùng những bức ảnh đã qua chỉnh sửa cầu kỳ được một người bạn forward chẳng làm tôi “phát sốt”, bởi quảng cáo của nhà tour nào mà chẳng hay. “Cũng đẹp đấy nhưng Việt Nam mình sông suối núi non hoành tráng, thiếu gì thác đẹp đâu, thích kiểu đặc biệt hơn nữa” – tôi reply. Thế rồi “cơn sốt” du lịch hậu Covid bắt đầu quét qua, hễ cứ ai rủ là tôi “chốt” luôn. Đặt cọc K50! Thú thật đây mới chỉ là lần thứ 2 tôi đi trek kiểu có đơn vị tổ chức, ghép đoàn, trước đó toàn cùng nhóm bạn tự đi thôi, nên có chút băn khoăn là liệu có vui không? 3 ngày tập đi bộ nhanh leo dốc 10km trên máy, chuẩn bị 2 bộ quần áo trek, 1 đôi giày không giữ nước, 1 chiếc balo nhỏ không thấm, sáng thứ 6, tôi bay vào Sài Gòn để 5h chiều chuẩn bị lên xe giường nằm đến Gia Lai. 6h thứ 7 xe đến thị trấn K’Bang. 7h - rời xe trung chuyển sau bữa sáng, cổng khu bảo tồn Kon Chư Răng hiện ra, xanh bạt ngàn.
Để lại những đồ đạc không cần thiết, chúng tôi nghe những lời dặn dò của các bạn tour guide, tập các động tác khởi cơ thể để bắt đầu hành trình. Vượt qua quãng đường đi bộ khoảng 13km chủ yếu xuyên rừng già, thêm chút cảm giác mạnh đứng bám xe Jeep offroad tí nữa văng người xuống (nhưng mà đã), khoảng 13h chúng tôi dừng lại ăn trưa tại một khu lán trại như bị đồng bào Bana bỏ hoang trong lòng rừng. Dưới bóng cây đại ngàn, 2 tấm bạt trải, dăm đĩa bánh hỏi cùng đôi tảng thịt heo nướng, bữa trưa đơn giản nhưng ngon và quá hợp cảnh. 6km tiếp theo thực sự là trèo đèo, là lội suối, là băng rừng, nhưng cũng là để giây phút K50 hoang sơ hiện ra, ai cũng phải “wow” lên 1 tiếng thật to. Vẫn còn cách chân thác cả vài trăm mét mà đã thấy mát hết cả mặt!
Lụi cụi leo qua các ghềnh đá để tiến gần chân thác hơn, ngước lên, thấy sừng sững một bức tường thành bằng nước. Cái tên K50 chỉ độ cao 50m của thác, nhưng sao tôi có cảm giác nó hùng vĩ hơn thế nhiều! Haha xin lỗi K50 vì tôi đã đánh giá thấp “em” trước khi đi! Đoạn suối dưới chân thác hơi sâu, tôi quyết định không bám đá mà bơi sang bờ bên kia – chỗ có lán trại nghỉ đêm của đoàn. Con nước Tây Nguyên giữa tháng 4 nhưng có vẻ khá xiết cuốn tôi va vào mấy tảng đá giữa dòng. Tôi nghe có tiếng hét lên. Haha, trông thế thôi chứ chẳng có gì là nguy hiểm cả. Safe mà! Thực ra khi nhà tour lên chương trình thì họ đã đảm bảo về an toàn cho tất cả khách tham gia. Về bãi trại, mọi người tranh thủ kéo nhau ra suối tắm, Tôi phát hiện ra con vắt béo mẫm bám vào người mình từ bao giờ, máu chảy loang trên mặt nước, định trả thù nhưng thôi, tha!
Rồi khi bóng tối bao trùm, chỉ còn nghe tiếng nước vang vang, cũng chính là lúc cả đoàn quây quần bên bếp lửa bập bùng để thưởng thức “bữa tiệc” dân dã với cơm lam, thịt gà, thịt heo nướng. Sau cả ngày dài gần như chỉ cắm mặt trèo leo, lúc này mọi người mới thực sự có thời gian trò chuyện cùng nhau. Chị mập này làm công ty nước ngoài, nhóc que củi kia là sinh viên, anh đầu trọc hầm hố đã từng làm tour guide cho Tây, còn cô gái kia hóa ra là bà mẹ 3 con kiêm huấn luyện viên yoga,.. Đặc biệt có cả 2 “phượt thủ cổ thụ”: 1 cô gần 60, 1 cô 63 tuổi, xin bái phục ý chí và độ dẻo dai của các grandma! Sau chục ván tá lả “khởi nghiệp không thành công”, tôi chui vào lều ngủ, chuẩn bị sức khỏe cho ngày mai!
Sáng sớm Chủ nhật, cả đoàn dậy ăn sáng, dọn dẹp hành lý, lại ra chụp ảnh. Mặt trời lúc này vừa ló qua đỉnh thác, chiếu thứ ánh sáng trong vắt khúc xạ qua vô vàn bọt thác nước lung linh. Bên này là cây rừng nguyên sinh, dưới kia là suối chảy, là đá tảng, phía sau là dải lụa thác bạc lấp lánh, tất cả tạo nên một bức tranh kỳ vĩ, huyền ảo, khiến tôi thực sự choáng ngợp. Nhưng cái “ngợp” đó vẫn chưa có hồi kết – đúng vào lúc ai cũng thấy hoan hỉ với vẻ đẹp hùng vĩ của K50, thì trên đường về, sau khoảng 2 cây số đường rừng, trèo lên cao, bám dây thừng đi sâu trong lòng thác, đó như thể 1 thế giới khác. Nơi đó, bụi nước không mở được mắt ra, những đàn én làm tổ, và khung cảnh thì ngoạn mục vô song - đó chính là phần thưởng tuyệt với nhất mà K50 mang đến cho những du khách không quản xa xôi đến với trái tim của núi rừng Tây Nguyên…
Nguồn: https://www.facebook.com/quicksnow